Cõng nàng vượt dốc
Con dốc ấy không chỉ là độ cao của những tầng lầu, mà còn là định kiến của người đời và nỗi mặc cảm của người con gái bỗng dưng thành người khuyết tật. Nhiều lúc nhìn chồng và con gái đùa giỡn, Liêu Thị Ngọc Hiếu vẫn không tin hạnh phúc đang hiển hiện trước mắt mình.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Hà - Hiếu - Ảnh: THÁI BÌNH

Con dốc nho nhỏ

Hiếu hiện là nhân viên của Trung tâm Khuyết tật và phát triển, còn Hà là nhân viên một công ty. Do Hà ở rể nên mỗi ngày Hiếu tự chạy xe gắn máy ba bánh vượt đoạn đường dài 18km từ Hóc Môn đến chỗ làm.

Đôi uyên ương ao ước một ngày nào đó đủ sức mua căn nhà nhỏ trong nội thành để việc đi lại dễ dàng hơn.

Năm 17 tuổi, đôi chân của cô nữ sinh Liêu Thị Ngọc Hiếu bỗng dưng yếu dần rồi liệt hẳn. Tình cờ nghe bác sĩ trao đổi với má, Hiếu biết với căn bệnh u tủy sống này cô sẽ mãi mãi phải ngồi xe lăn. Không chấp nhận sự thật phũ phàng, Hiếu bắt đầu tích trữ thuốc ngủ để hủy hoại đời mình. Nhưng trong một khoảnh khắc nào đó giữa lúc cùng quẫn, Hiếu chợt nghĩ tới má và cô đã chọn con đường sống.

Một bữa nọ, người anh họ của người chăm sóc Hiếu vào thăm, nhìn thấy cô gái khắc khoải trên giường bệnh bỗng đem lòng thương mến. Rồi Hiếu tiếp tục đi học, và chàng trai Nguyễn Thanh Hà ấy đã tình nguyện đẩy xe lăn đưa Hiếu đến trường, bồng bế cô lên lớp học tận lầu 2. Hồi đầu Hiếu ngại lắm, nhưng vì chuyện học nên cô đành chấp nhận sự giúp đỡ của anh. Và đôi tay rắn chắc của chàng trai Hậu Giang đã giúp Hiếu học hết cấp III rồi vào đại học.

Để đưa đón Hiếu đi học, Hà chấp nhận thu nhập ít ỏi với những công việc có thể co giãn thời gian. Do Hiếu không kiểm soát được bài tiết, nên hễ sắp xảy ra “sự cố” là cô lại í ới gọi điện thoại để anh đến trợ giúp. Cầu thang cao ngất, có bữa Hà ẵm Hiếu hì hục leo lên tầng 4 thi, nhưng đến nơi mới biết phòng thi đã chuyển xuống lầu 2. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt vừa mệt vừa đói của Hà, Hiếu thương anh đến chảy nước mắt.

Năm 2003, Hiếu bước vào ca mổ tái tạo bàng quang để cứu hai quả thận ứ đầy nước. Trước ca mổ, Hiếu nghèn nghẹn nói: “Nếu em chết thì sao?”, Hà trả lời: “Anh có cách để em sống, em phải sống thì mới biết đó là cách gì”. Nói vậy thôi chứ trong lòng Hà lo lắng lắm. Và phần thưởng dành cho sự dũng cảm của Hiếu là một chầu cà phê trên tòa nhà cao nhất thành phố lúc bấy giờ - điều mà Hiếu ao ước bấy lâu nhưng chẳng hiểu sao Hà cũng biết được.

Con dốc cao cao

Sau ca mổ, gia đình Hiếu quyết liệt ngăn cản mối quan hệ “nguy hiểm” của đôi bạn. Hiếu tâm sự: “Gia đình bảo bọc tôi bằng thứ tình thương lạ lùng”. Theo Hiếu, tình thương ấy xuất phát từ định kiến: người khuyết tật không thể tự nuôi sống bản thân và sẽ tăng thêm gánh nặng cho gia đình nếu kết hôn và sinh con.

Hiếu bảo chính thái độ quyết liệt của gia đình đã khiến cô khiếp sợ đến độ không dám lên tiếng bảo vệ quyền được yêu của mình. “Em chọn gia đình”, Hiếu nói với Hà trong nước mắt. Nghe Hiếu nói vậy, Hà nén lòng nói với người yêu: “Nếu không có duyên làm chồng thì anh xin bầu bạn đến cuối cuộc đời”.

Nhưng Hà đã không bỏ cuộc. Anh vẫn lén gia đình đẩy xe lăn đưa Hiếu đến trường, ẵm bồng cô lên lớp và cùng cô rong ruổi khắp nơi. Ngày Hiếu tốt nghiệp đại học cũng đánh dấu 10 năm họ gắn bó cùng nhau. Nhưng chừng ấy thời gian vẫn chưa đủ làm cô gái tự tin để sống với tình yêu của mình. Sau câu nói “Anh quá thất vọng về em!”, Hà buồn bã bỏ đi. Những ngày sau đó với Hiếu cảm giác mất người thân yêu chưa bao giờ rõ ràng đến thế.

Rồi Hà bỗng dưng xuất hiện. Ngay chiều hôm đó, Hiếu về nhà nói hết với má về lựa chọn tình yêu của mình. Một tuần sau đó, má Hiếu nói: “Hai đứa bay đã gắn bó với nhau mười năm trời còn gì, thôi thì...”. Đám cưới của họ thật vui. Và khi chú rể đẩy chiếc xe lăn ra trước bàn thờ gia tiên, gia đình hai bên òa khóc khiến đôi uyên ương cũng không kìm được nước mắt.

Ba tháng sau ngày cưới, Hiếu có thai. Tiếp theo là những tháng ngày hồi hộp. Cái thai trong bụng càng to thì sức khỏe của Hiếu càng đi xuống mà nỗi lo cứ lớn dần lên. Khi tỉnh lại sau ca mổ lấy thai, việc đầu tiên Hiếu làm là xin được tận tay kiểm tra xem con có lành lặn.

Những ngày này vợ chồng Hiếu đang chuẩn bị đưa con gái 33 tháng tuổi về quê nội đón tết. Mẹ Hà đã cho sửa nhà vệ sinh để cô con dâu dễ tiếp cận. Bà còn cho cưa chân cả bộ ván ngựa gia truyền để Hiếu có thể “nhảy” sang ngồi cùng mâm với chị em chồng. Hiếu tâm sự: “Nếu không có tấm chân tình của anh Hà thì một người như tôi không thể có ngày này”. Nhưng Hà lại nghĩ khác: “Chưa bao giờ tôi coi cô ấy là gánh nặng của mình”.


VNJobs
Theo TTO
Số lần xem: 267 Lên đầu trang
Các bài viết khác
Khai trương cửa hàng bán sản phẩm của người khuyết tật
Chuyện thầy Khiêm khuyết tật
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
London chào đón chị Hồng
Nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Việt Nam đa tài!
Người khuyết tật sẽ được ưu tiên xét tuyển đại học
Kênh phản hồi cho người khuyết tật chưa “đắt hàng”
Công nghệ thông tin – “cần câu” của người khuyết tật
Người khuyết tật được tiếp thêm nghị lực
Chuyên mục
Người Khuyết Tật (31)
Kỹ Năng Phỏng Vấn (7)
Cẩm Nang Thu Hút Nhân Tài (10)
Cẩm Nang Tuyển Dụng Nhân Tài (21)
Quản trị nguồn nhân lực (24)